Để cho ra những tấm ảnh đẹp, ngoài kỹ năng chụp ảnh thì tư duy xử lý hậu kỳ bức ảnh cũng vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, ngày càng nhiều công cụ xử lý ảnh được ra đời đáp ứng nhu cầu chỉnh ảnh đa dạng của người dùng, trong đó có app Lightroom. Những công thức chỉnh màu lightroom đang tạo ra sức hút khó cưỡng đối với người dùng mạng xã hội, đặc biệt là tone màu cinematic với những gam màu cổ điển, thanh lịch, và quyến rũ. Hãy cùng Metric Leo tìm hiểu qua bài viết sau đây để biết thêm chi tiết bạn nhé.
Chỉnh màu cinematic là gì?
Mục đích của việc chỉnh màu cinematic là làm cho những bức ảnh có những đặc điểm tương tự những khung hình mà bạn có thể tìm thấy trong rạp phim thời nay. Việc hiệu chỉnh những thông số như màu sắc, độ tương phản, cũng như tone màu chủ đạo sẽ mang hơi hướng phong cách của một bộ phim cụ thể.
Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng không nhất thiết phải xem một bộ phim cụ thể nào đó để tạo ra phong cách này. Chắc chắn cảm hứng là một nhân tố hữu ích, nhưng những app chỉnh màu như Lightroom là một trợ thủ đắc lực giúp bạn có những khung hình chuẩn mood, bật tone cinematic một cách hoàn hảo.
Màu cinematic mang đến những tấm ảnh có độ tương phản sâu, bề ngoài hơi mờ, màu sắc rực rỡ phong phú, độ phơi sáng giảm để làm nổi bật tâm điểm của bức ảnh,…
Chỉnh màu cinematic trong Lightroom
Các bước chỉnh màu Lightroom tone cinematic
Mỗi bức ảnh cần những công thức hiệu chỉnh tương đối khác nhau, vì vậy, phần tiếp theo của bài viết sẽ không chia sẻ một công thức cụ thể nào đó để chỉnh ảnh. Thay vào đó, những bước sau đây sẽ giúp bạn xây dựng được bộ khung để có thể áp dụng vào những tấm ảnh của mình.
Bước 1: Cân bằng độ phơi sáng
Độ phơi sáng cân bằng nghĩa là bức ảnh không quá sáng, cũng không quá tối, mà đơn giản là đạt độ vừa vặn, phù hợp.
Để làm việc với công cụ này, bạn cần sử dụng thẻ Develop trong Lightroom. Trong thẻ này, bạn có thể điều chỉnh các thông số như Độ phơi sáng (Exposure), Độ tương phản (Contrast), Độ nổi bật (Highlight), Đổ bóng (Shadow), Thêm màu trắng vào vùng cực trắng (Whites), và Thêm màu đen vào vùng cực đen (Blacks). Để cân bằng độ phơi sáng của tấm ảnh, bạn cần lần lượt hiệu chỉnh những thông số này cho đến khi đạt được mức độ mong muốn.
Chẳng hạn, tấm ảnh của bạn có vùng trời phía sau tương đối sáng cũng như khu vực tiền cảnh tối, bạn nên hạ thanh trượt của chỉ số Whites xuống, đồng thời tăng Độ đổ bóng cũng như màu tối cho tấm ảnh. Ngoài ra, để đảm bảo bức ảnh có sức hút, bạn nên chỉnh thêm Độ tương phản để tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ cho tấm ảnh.
Trong một vài trường hợp, Lightroom làm cho khung ảnh của bạn quá sáng hoặc quá tối. Lúc này, tính năng Exposure sẽ giúp bạn dễ dàng cân bằng lại 2 yếu tố này.
Thành quả sau khi ảnh được cân bằng độ phơi sáng
Bước 2: Cân bằng trắng
Đây là một bước quan trọng giúp bạn đạt được hiệu ứng cinematic mong muốn. Trước khi đi sâu hơn vào những bước tiếp theo,bạn cần lựa chọn tone màu cho khung ảnh mà bạn mong muốn: tone màu ấm (khuynh hướng nghiêng về màu vàng) hay màu cool ngầu (thiên về màu xanh). Việc điều chỉnh cân bằng trắng có tác động rất lớn đến những hiệu chỉnh về màu sắc.
Bạn có thể điều chỉnh một trong hai tone màu kể trên bằng việc điều chỉnh thanh trượt Temperature lên hoặc xuống. Để tăng hiệu ứng cân bằng sáng, bạn có thể dùng thanh trượt Tint để thêm màu đỏ tươi hoặc xanh lục. Việc kết hợp những thanh trượt này cùng nhau giúp xử lý những màu sắc lệch tone trong tấm ảnh của bạn.
Ảnh sau khi được cân bằng trắng
Bước 3: Tăng độ tương phản với Tone Curve
Để bắt đầu với tính năng này, bạn hãy làm quen với mục Point Curve. Thông số này cho phép bạn làm việc với những điểm cụ thể thay vì là vùng phơi sáng.
Để đạt được tone màu cinematic, bạn sẽ cần thêm một ít hiệu ứng làm mờ cho phần đổ bóng của khung hình. Bạn càng kéo thanh trượt lên thì giao diện ảnh sẽ càng mờ mạnh, vì vậy bạn hãy hiệu chỉnh một cách tinh tế.
Tiếp theo, để tạo ra sự tương phản cho bức ảnh, bạn hãy chọn một điểm neo đậu (anchor point) trong vùng đổ bóng và kéo điểm đó xuống để vùng bóng được làm tối. Sau đó, bạn cũng làm tương tự với khu vực tone màu trung tính, nhưng kéo điểm neo đậu để làm sáng khu vực đó.
Giao diện Tone Curve trong Lightroom
Bước 4: Điều chỉnh thông số HSL
Thông số HSL giúp điều chỉnh tone màu, độ bão hoà, cũng như mật độ ánh sáng của màu sắc trong tấm ảnh.
Thẻ HSL có nhiều mục cho bạn điều chỉnh như Hue (các loại màu sắc khác nhau), Saturation (để đạt được tone màu cinematic, bạn cần chọn 1 hoặc 2 màu chủ chốt để kìm lại những màu khác).
Ngoài ra, bạn có thể dùng những công cụ nâng cao hơn như Color Grading, Noise Reduction, Lens Correction để biến hoá đa dạng hơn những khung hình của bạn.
Điều chỉnh thông số HSL
Những tip đơn giản để tạo ra những bức ảnh cinematic
Để có những bức ảnh tone cinematic với Lightroom, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Hạn chế việc lạm dụng quá nhiều màu sắc khác nhau, điều này không những không tạo ra chất cinematic, mà còn làm cho tấm ảnh trông lộn xộn, không thu hút.
- Sử dụng những công thức màu đồng nhất cho cùng 1 set ảnh của bạn để tạo được hiệu ứng mạnh mẽ cho người xem, tránh tạo ra sự không hòa hợp giữa những tấm ảnh.
- Tạo ra công thức cho riêng bạn: Lightroom hỗ trợ bạn nền tảng và công cụ, bạn chỉ cần khám phá ra những công thức chỉnh màu cho riêng bạn để cho ra những tấm ảnh mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn.
Trên đây là cách chỉnh màu lightroom chuẩn tone cinematic cực đơn giản mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng, qua bài viết này, bạn sẽ có được công thức chỉnh màu cho riêng mình, bạn nhé!